Âm vang đờn ca tài tử bên dòng Cổ Chiên

Cập nhật, 13:22, Thứ Ba, 14/11/2023 (GMT+7)

Đờn ca tài tử (ĐCTT) lâu nay là loại hình nghệ thuật dân gian gắn liền với đời sống tinh thần của người dân vùng ĐBSCL. Với những ý nghĩa đó, thời gian qua, nghệ thuật ĐCTT ở xã Mỹ An (Mang Thít) luôn được duy trì và trở thành một trong những hoạt động sinh hoạt văn hóa tinh thần đặc trưng của người dân nơi đây.

Xã Mỹ An, huyện Mang Thít, là một xã vùng ven sông Cổ Chiên. Người dân chủ yếu sống bằng nghề sản xuất nông nghiệp, số còn lại sống bằng nghề thương mại, dịch vụ và tiểu thủ công nghiệp.

Trong thời gian qua, việc xây dựng phong trào và tổ chức các hoạt động văn hóa được UBND xã quan tâm thực hiện song song cùng với các nhiệm vụ chính trị khác. Bằng những nỗ lực và quyết tâm đến nay xã Mỹ An đã thực hiện đạt được một số thành tích cơ bản.

Năm 2023, xã Mỹ An trong lộ trình xây dựng NTM nên được đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa cơ bản đảm bảo phục vụ hoạt động văn hóa, văn nghệ trên địa bàn xã, gồm một trung tâm văn hóa- thể thao, một nhà văn hóa cụm (Thanh Hương, An Hòa, Hòa Mỹ 1). Hội trường văn hóa đa năng được bố trí 200 chỗ ngồi, có đủ trang thiết bị âm thanh, ánh sáng,…

Nhiều câu lạc bộ hoạt động hiệu quả

Xã có 9 CLB ĐCTT hoạt động thường xuyên, gồm 1 CLB xã và 8 CLB ấp. Ban chủ nhiệm CLB ĐCTT được thành lập với vai trò rất quan trọng, chính là cầu nối và là tổ chức hạt nhân thực hiện phát triển phong trào ĐCTT trong quần chúng Nhân dân toàn xã. Số người tham gia văn hóa- văn nghệ là 4.000 người, đạt gần 40% dân số toàn xã.

Ông Huỳnh Minh Ái- chủ nhiệm CLB cho biết: “Nghệ thuật ĐCTT đã ngấm vào máu thịt của nhiều thế hệ nên không quá khó khăn trong việc tuyên truyền, vận động bà con ở xã tham gia. Các tài tử, nghệ nhân đến với môn nghệ thuật này theo phong trào, xuất phát từ tình yêu và đam mê. Bà con rất phấn khởi, xem đây là “món ăn” tinh thần không thể thiếu”.

UBND xã Mỹ An thời gian qua tích cực khuyến khích người dân cùng tham gia sáng tạo, sáng tác lời mới, bồi dưỡng tài năng trẻ thông qua các lớp tập huấn ngắn ngày cho các tài tử, nghệ nhân. Hoạt động của phong trào ĐCTT tại các ấp gắn liền với phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư" từng bước làm cho ĐCTT thấm vào nếp sinh hoạt văn hóa hàng ngày của người dân địa phương, đặc biệt là với người trẻ.

Các thành viên trong CLB luôn đoàn kết, nêu cao tinh thần trách nhiệm, tận tụy với nhiệm vụ được giao. Từ đó, các hoạt động phong trào của CLB đề ra được nhiều thành viên tham gia, hưởng ứng tích cực, góp phần hoàn thành nhiệm vụ chung của CLB.

Ở các CLB dù thành viên đều giỏi nghề, nhưng không ai lấy đó làm tự mãn mà học hỏi, chỉ dẫn cho nhau. Ông Lê Văn Luận- phó chủ nhiệm với ngón đờn kìm trứ danh, tuổi đã ngoài 70 nhưng ngày tập dợt nào cũng mang đờn, tham gia sinh hoạt. Ai ca bản nào thì anh vui vẻ đờn cho ca cũng như sẵn lòng truyền dạy cho lớp trẻ.

Ban chủ nhiệm đã đề ra phương hướng hoạt động phù hợp với tình hình thực tế và chủ động mở lớp truyền dạy ĐCTT nhằm mục đích bảo tồn và phát huy văn hóa nghệ thuật của địa phương.

Hàng tháng đến hẹn lại lên, cứ vào chiều ngày 25, tại nhà văn hóa liên ấp lại náo nhiệt bởi những giai điệu quen thuộc của các thành viên trong CLB. Buổi sinh hoạt được tổ chức theo kiểu “cây nhà lá vườn”, mọi người ngồi quây quần bên nhau, người say sưa hát, người chăm chú lắng nghe.

Anh Nguyễn Ngọc Thanh- phó chủ nhiệm, chia sẻ: “Không chỉ đờn, ca góp vui, hướng dẫn nhau về kỹ thuật lên giọng, ngắt nhịp, những buổi sinh hoạt còn là dịp để anh em tâm sự, chia sẻ với nhau những buồn vui trong cuộc sống. Đó là bí quyết để CLB được duy trì”.

Ở đây, mọi người có thể khác biệt về độ tuổi, nghề nghiệp, kỹ năng đờn, ca nhưng có một điểm chung là rất mê ĐCTT. Chị Diệp Kim Phô, chị Nguyễn Hồng Lệ, chị Nguyễn Kim Hảo... gắn bó với CLB ĐCTT nhiều năm qua. Các chị cho biết lúc nhỏ đã mê ca, hàng ngày các chị mở radio nghe và tập ca theo. Mỗi khi có đám tiệc trong xóm, các chị hay ca góp vui.

Hoạt động văn hóa, văn nghệ góp phần gìn giữ đờn ca tài tử

Hàng năm, UBND xã Mỹ An hỗ trợ kinh phí để CLB có điều kiện tham gia nhiều chương trình ĐCTT. Tổ chức đêm giao lưu ĐCTT giữa các CLB ĐCTT ở các huyện Mang Thít, Long Hồ, Tam Bình, Bình Tân và TP Vĩnh Long, thu hút 55 tài tử, trình bày 16 tiết mục.

Liên hoan ĐCTT- cải lương do huyện tổ chức, xã Mỹ An có 8 nghệ nhân tham dự với 5 tiết mục; tổ chức giao lưu ĐCTT giữa các xã Hòa Tịnh, Thanh Đức, Long Mỹ xã có 24 nghệ nhân tham gia với 18 tiết mục; gần đây nhất Trung tâm Văn hóa- Thông tin và Thể thao huyện Mang Thít tổ chức Hội diễn Văn nghệ quần chúng huyện Mang Thít có sự góp mặt của 12 đoàn, trên 300 diễn viên đến từ 12 xã, thị trấn, gồm 48 tiết mục với 3 thể loại hát, múa, sân khấu.

Theo anh Vũ- cán bộ văn hóa xã, trải qua năm tháng, mặc dù xuất hiện nhiều loại hình nghệ thuật khác nhau nhưng các tài tử vẫn một lòng son sắt với nghệ thuật ĐCTT. Từng ngón đờn, lời ca cùng nhịp phách song loan dường như thấm đẫm vào trái tim mỗi tài tử. Chính tình yêu cháy bỏng đó đã níu giữ để nghệ thuật ĐCTT sống mãi với thời gian.

Ông Trần Minh Tâm- Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ An, cho biết: “Trong thời gian tới, UBND xã sẽ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các chính sách đãi ngộ, khen thưởng cho các nghệ nhân ĐCTT có nhiều đóng góp trong việc bảo tồn và phát huy giá trị ĐCTT trên địa bàn xã.

UBND xã sẽ phối hợp với các đơn vị mở các lớp tập huấn bài bản tài tử, nâng cao chất lượng hoạt động của các CLB, đồng thời tiếp tục đưa ĐCTT vào sinh hoạt tại các thiết chế văn hóa, tạo điều kiện cho các tầng lớp Nhân dân đều có thể tham gia phát huy loại hình nghệ thuật này”.

TRẦN MƯỜI