Gió chướng thổi, miên man nỗi nhớ

Cập nhật, 07:34, Thứ Bảy, 09/12/2023 (GMT+7)
Nhiều loài cá nước ngọt sống ở sông Tiền, sông Hậu nó chưa học hết ở ông nó cách gọi tên. Vì sự phong phú và đa dạng của các loài cá. Vì người miền Tây phân biệt rạch ròi trong cách gọi.
Nhiều loài cá nước ngọt sống ở sông Tiền, sông Hậu nó chưa học hết ở ông nó cách gọi tên. Vì sự phong phú và đa dạng của các loài cá. Vì người miền Tây phân biệt rạch ròi trong cách gọi.

Ngọn gió chướng non đỏng đảnh về, gió thổi bâng khuâng màu tím hoa đậu rồng, màu trắng muốt hoa so đũa trong nắng mới. Ngọn gió thổi ngược theo hướng Đông Nam từ ngoài biển vào vùng châu thổ sông Cửu Long. Gió thổi những ngày đầu mát mẻ, rồi dần se lạnh. Báo hiệu mùa xuân gần kề.

Sớm mai thức giấc những ngọn gió se se lạnh thổi mát lạnh làn da, chị gái lấy tấm khăn, choàng vào làn da mỏng của đứa trẻ thơ. Đứa trẻ hồn nhiên nằm trong vòng tay ấm áp của chị. Nó nghĩ, con gió mang hơi lạnh đến để cảm nhận được sự ấm áp của những tia nắng ban mai, để người với người thêm gần nhau hơn.

Cuộc sống thành thị xô bồ, bon chen, hấp hải… khi ngọn gió chướng non chùng chình thổi miên man da thịt, gợi niềm thương và nỗi nhớ. Não nó “đổ mồ hôi” quay về với hương đồng cỏ nội. Cái vẻ đẹp tự nhiên và yên bình của cuộc sống thanh thản, gắn kết với thiên nhiên. Nó thèm những hương vị của rau dại và cá đồng đã nuôi nó lớn khôn.

Nó nhớ những hôm cùng ông đổ dớn, câu lươn. Chiều ông chờ nó tan học về để bơi xuồng đi đổ dớn, mùa nào cá nấy. Nhiều loài cá nước ngọt sống ở sông Tiền, sông Hậu nó chưa học hết ở ông nó cách gọi tên.

Vì sự phong phú và đa dạng của các loài cá. Vì người miền Tây phân biệt rạch ròi trong cách gọi. Nào là lòng tong đá và lòng tong bay; nào là cá tra bần, cá vồ đém; nào là cá chốt giấy và cá chốt cờ… nhìn sơ qua nó có khác gì đâu chèn. Vậy mà ông nó nhìn vào là phân biệt được ngay.

Nó rất thích được đi theo ông câu lươn, ông rất thiện nghệ, chỉ cần một sợi gân tóm (buộc) vào lưỡi câu và vài con trùn đất, túi đựng lươn là đủ đồ nghề để đi câu. Đi cặp theo mé mương, mé kinh, ông nhìn sơ là biết hang nào là hang cua, hang nào hang còng, hang nào hang lươn…

Khi gặp hang lươn ông bỏ câu đã tóm sẵn mồi thả vào miệng hang nhấp nhấp, chú lươn liền thập thò rồi “chém” ngay miếng mồi câu. Miệng lươn lớn, có thể kéo dài ra được, cả hai hàm đều có răng nhỏ. Lúc này, ông chỉ việc giật lên thôi. Một chú lươn vàng ươm.

Nó vừa nhảy cửng lên và hoan hô chiến tích của ông. Hôm nào không câu thì ông đi đặt trúm, bắt vài con cua đập giập giập bỏ vào ống trúm đặt ở mương nước nông, nhiều cỏ thì hứa không bao giờ “thất thu”.

Với những con lươn vàng ươm ấy, hôm bà kho khô sả, hôm bà nấu canh chua bông so đũa với trái đậu rồng. Lâu lâu bà đãi cả nhà món lươn om nước cốt dừa lá cách. Món này rất tốn công, vì phải nạo dừa vắt nước cốt, phải nghiền nhuyễn nghệ, phải đi hái lá cách, hái rau om, nhổ sả, hái ớt…

Bù lại công ấy, món ăn rất ngon. Những khúc lươn vàng ươm màu nghệ rất bắt mắt, bụng liền “kêu” đói, tay muốn đưa đũa gắp liền. Rồi từ từ thưởng thức, với miếng thịt lươn thơm, dai và vị béo của nước cốt, kèm theo vị đặc trưng của lá cách nữa chứ. Nhắc lại thèm thuồng cái hương vị không “đụng hàng” của món lươn om nước cốt dừa lá cách.

Nói thật, giờ không khó để có những con lươn vàng vì lươn được bán rất nhiều ngoài chợ, chứ không nói là đầy. Nhưng nó chỉ thích ăn món ăn hương vị đồng được nấu từ bếp củi. Dáng lom khom, bà cào tro tàn để bắt đầu bữa cơm chiều. Bà đưa tay hái mấy cọng ngò gai trong chiếc lu bể.

Những chiếc mái đầm, lu, khạp bể bỏ thì tiếc, bà để vào đó vài cục đất cày ngoài ruộng, một ít phân chuồng hoai mục là húng lủi, hành, ngò gai xanh mịt. Nhớ bàn tay nhăn nhúm khều từng cục than hồng để nồi cơm thơm vàng cơm cháy tặng nó. Nhẹ nhàng, chái bếp bay khói hoàng hôn…

Dù vẫn biết “không ai tắm hai lần trên một dòng sông” nhưng phàm con người ai cũng thèm muốn những điều không thể ấy. Nó cũng vậy, cứ thèm được ăn dù chỉ một lần những món của bà để nếm lại hương vị đồng của mùa gió chướng đã qua, dù biết rằng không bao giờ có thể.

Gió chướng thổi, miên man nỗi nhớ. Nó ngồi nhìn những bông tím biếc đậu rồng, ngâm nga “Gió chướng lao xao khúc sông nào, sóng nấy/ Xuồng em bơi giữa dòng, anh thấy anh thương”. Câu ca dao nó mới vừa ngâm nga, giúp nhận ra rằng, gió chướng ảnh hưởng rất sâu đậm đến đời sống người dân ĐBSCL.

Bài, ảnh: HOÀI THƯƠNG