Tản mạn shipper

Cập nhật, 07:19, Thứ Hai, 27/11/2023 (GMT+7)
Một shipper đang ngồi phân hàng trước một cổng trường ĐH chờ sinh viên tan trường để giao.
Một shipper đang ngồi phân hàng trước một cổng trường ĐH chờ sinh viên tan trường để giao.

“Cô ơi! Cháu giao đồ!”- Đó là tiếng gọi lấy hàng của shipper. Bà nội của thằng cháu con anh Hai tôi- nói vòng vo vậy chứ, đó là mẹ tôi- đang lúi húi thò tay ngắt mấy cọng rau trước sân để chuẩn bị bữa cơm cho gia đình, giật mình bởi tiếng shipper gọi lấy hàng.

Mẹ tôi giật mình vì mình đâu có đặt hàng gì đâu thì thằng cháu tôi từ trong nhà vừa chạy vừa nói: “Hàng của con đó nội ơi! Nội trả tiền shipper dùm con đi”.

Mẹ tôi nhận hàng nhìn thấy giá là 120.000đ, địa chỉ nơi bán ở tận Hà Nội. Mở hàng ra kiểm đó là chiếc áo thun.

Rồi mẹ tôi vừa trả tiền shipper vừa nghĩ, bán sao có lời. Vì giao hàng xa quá và từ trong này mà đặt tới ngoài kia chỉ trong 2-3 ngày là nhận được. Hay thật, chỉ việc ngồi nhà cầm cái điện thoại với vài thao tác là có người vận chuyển hàng đến nhà rồi. Không thể phủ nhận sự tiện lợi của việc mua hàng online.

Không khó bắt gặp các shipper- chứ không muốn nói là rất nhiều- trên các cung đường từ thành thị đến nông thôn. Xu hướng kinh doanh, mua sắm online của giới văn phòng, giới trẻ phát triển mạnh, kéo theo sự “nở rộ” của nghề giao hàng.

Cái thời mà người bán và người mua không cần xê dịch, đã có shipper vận chuyển từ người bán đến người mua. Ngày nay, công việc của người giao hàng trở nên rất phổ biến. Có người đây là công việc chính làm lâu dài, có người làm ngoài giờ lao động chính. Nghề giao hàng tận tay ngày càng phát triển rộng khắp từ thành thị đến miền quê.

Dịch vụ đặt hàng qua app nở rộ, với đội ngũ shipper đông đảo, giúp nhiều người làm việc giao hàng có thêm thu nhập ổn định. Và không chỉ mấy anh nam mà mấy chị nữ cũng chịu khó đội nắng, gánh mưa để giao hàng.

Đúng vậy, có nghề nào mà ngồi không hưởng lợi đâu. Nghề giao hàng nhiều người nói nghề không cần bằng cấp, không cần mối quan hệ mới có được, chỉ việc lấy hàng rồi giao rất đơn giản.

Không, không đơn giản vậy đâu. Chỉ những shipper mới cảm nhận được hết sự vất vả. Phải thực hiện giao hàng đúng giờ hẹn dù trời mưa lớn, trời nắng chang chang, dù địa chỉ “lạ hoắc lạ huơ”. Đòi hỏi shipper phải sắp xếp địa chỉ giao hàng sao cho khoa học trong giao nhận hàng hóa.

Phải nói chuyện khéo léo để không làm khách phật lòng. Không chỉ làm vừa lòng người mua hàng mà còn phải làm vừa lòng người bán hàng. Shipper xây dựng thương hiệu cho bản thân bằng hai chữ “uy tín”. Lâu lâu gặp mấy anh chị nào chơi chát “bom hàng” thì xem như “cuốc” ấy lỗ công và lỗ xăng, lỗ mấy cuốc điện thoại nữa chứ. Vì tiền công được nhận khi hàng hóa đã chuyển đến tay khách hàng.

Không ít lý do để khiến khách hàng không nhận hàng đã đặt qua mạng. Chẳng như “Gia đình đi du lịch rồi không nhận hàng nhe”… Và với cách nghĩ “đặt chơi thôi mà, không lấy cũng chả sao”, “thích thì mua, đặt xong rồi nghĩ lại thấy phí quá”… Vậy là shipper bị “bom hàng”.

Bên cạnh đó, nghề giao hàng tiềm ẩn sự rủi ro về tai nạn giao thông. Nói đến đây thì phải kể: Không ít người rất sợ shipper vì không ít shipper vừa mở điện thoại lên xem địa chỉ, vừa nghe khách hàng diễn tả đường rồi chạy theo sự hướng dẫn thiếu sự quan sát. Có câu nhắn gửi rằng: “Các anh ơi, hãy dừng xe lại nghe điện thoại rồi hãy chạy tiếp để giữ an toàn cho bản thân và người tham gia giao thông với”.

Bù những vất vả ấy, nghề giao hàng cho thu nhập khá khi có sự chịu khó và thu nhập ổn định. Nhiều người thích làm shipper vì được gặp gỡ nhiều người, được đi nhiều nơi, nhiều điểm chứ không bị gò bó như ngồi trong văn phòng.

Bài, ảnh: HOÀI THƯƠNG