Sơn Nam- "kỳ nhân Nam Bộ"

Cập nhật, 05:25, Thứ Bảy, 25/11/2023 (GMT+7)

 

Nhà lưu niệm nhà văn Sơn Nam nằm nép mình yên bình bên những khóm cây.
Nhà lưu niệm nhà văn Sơn Nam nằm nép mình yên bình bên những khóm cây.
Sơn Nam là một nhà văn đặc biệt, người đã sống trọn một đời cho vùng đất Nam Bộ và khi ông ra đi, di sản để lại là khối lượng tác phẩm đồ sộ nghiên cứu về vùng đất Nam Bộ thời khẩn hoang, và cả những sáng tác mang đậm chất miệt vườn. 
 
Cuộc đời “phong sương” 
 
“Phong sương mấy độ qua đường phố/ Hạt bụi nghiêng mình nhớ đất quê”. Đó là hai câu cuối trong bài thơ là đề dẫn cho tập truyện “Hương rừng Cà Mau” trứ danh, tập truyện góp phần làm nên tên tuổi của nhà văn Sơn Nam. 
 
Từ nhỏ ông đã có sở thích quan sát và ghi chép những gì diễn ra quanh mình, đặc biệt là tập quán ăn ở, sinh hoạt của người dân. Ông thường vào rừng, ra bưng để xem cá lia thia, xem chim chiều về tổ... Từ đó hình thành trong ông khiếu viết văn, khảo sát nghiên cứu. Ông tự nhận ngoài việc phải đọc thường xuyên, ông còn được trời phú cho “đôi chân đi hoài không biết mỏi”.
 
Nói về ý nghĩa của bút danh Sơn Nam- theo bà Đào Thúy Hằng- con gái nhà văn, cho biết: “Tôi thấy ba tôi viết trong quyển hồi ký là do hồi nhỏ bà nội thiếu sữa nên cho ba tôi bú thép một người Khmer, nên để nhớ ơn, ba tôi dùng chữ Sơn, là họ của người Khmer để đặt cho bút danh của mình, còn Nam là miền Nam”.
 
Từ năm 1955, Sơn Nam gắn bó với vùng đất Sài Gòn- Chợ Lớn. Ông viết văn, viết báo, và từ lúc đó trở thành nhà khảo cứu Nam Bộ uy tín. Những sáng tác của ông đều mang hơi thở của cuộc sống thời khẩn hoang, đậm chất thiên nhiên, văn hóa và con người Nam Bộ. Ông từng nói: “Mô tả việc khẩn hoang để khơi dậy ký ức một thời người dân phải đấu tranh thú dữ, thích nghi với thiên nhiên là đề tài “ăn khách””.
 
Không chỉ yêu thích đề tài thời khẩn hoang Nam Bộ, qua những tác phẩm của mình, nhà văn Sơn Nam còn nâng văn hóa nông thôn Nam Bộ lên thành văn minh, gọi là văn minh miệt vườn. Một khái niệm rất có giá trị đối với vùng đất mà ở đó, con người và thiên nhiên kết nối với nhau thành một thể thống nhất mang giá trị bản địa sâu sắc. 
 
Ông Nguyễn Nhất Thống- nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nam Bộ, Hội viên Hội Khoa học lịch sử tỉnh Đồng Tháp, cho biết: “Ông Sơn Nam vận dụng cái văn minh mà văn minh ở nông thôn, văn minh đồng quê, văn minh lúa nước dần dà phát triển thành bản sắc riêng. Khái niệm “văn minh miệt vườn, miệt quê, Miệt Thứ là của ông Sơn Nam, và bây giờ là tài sản chung của toàn dân”.
 
Trong số hàng trăm tác phẩm của Sơn Nam, thì “Hương rừng Cà Mau” là tác phẩm trứ danh, được nhiều độc giả mến chuộng. Tác phẩm được hình thành từ những năm nhà văn Sơn Nam lặn lội khắp vùng đồng bằng châu thổ.
 
Ở đó bàng bạc những câu chuyện về nhân sinh, hào khí, tình cảm, lối sống của những con người mang khát vọng chinh phục miền đất mới nhưng trong lòng luôn đau đáu nỗi niềm “nắng mưa miền cố thổ”.
 
Ông Nguyễn Nhất Thống kể là từ năm 13 tuổi, khi đọc Hương rừng Cà Mau thì ông bị ảnh hưởng ngay bởi những câu chuyện độc đáo mà Sơn Nam viết lại, nó “gần gũi quá, nó đánh động đến tâm tư, cảm xúc, mà cho tới bây giờ không tác phẩm nào ấn tượng hơn Hương rừng Cà Mau”.
 
Bà Đào Thúy Hằng chia sẻ kỷ niệm, ngày bà còn nhỏ, về quê nội ở Miệt Thứ, lâu lâu nhà văn Sơn Nam mới về. Lần nào về cũng cõng bà trên lưng, đi hết làng trên tới xóm dưới. Tới đâu nhà văn cũng vui vẻ, hỏi chuyện người dân, thấy họ làm thì ông làm, thấy họ nhậu thì ông nhậu.
 
Trong những câu chuyện được kể với nhau nơi “đầu trên xóm dưới”, về nhà là ông viết lại trong cuốn sổ nhỏ. Có lẽ đó là cách ghi chép những câu chuyện mà sau này hình thành nên tác phẩm Hương rừng Cà Mau.
 
Nhà văn Sơn Nam còn có biệt danh là “ông già đi bộ”, bởi ông không biết chạy xe, kể cả xe đạp. Những năm sống ở TP Hồ Chí Minh, ông chỉ đi bộ, hoặc đi xe ôm.
 
Cho nên chuyện nhà báo tự do Đào Tăng, sống trong căn nhà nhỏ ở quận Gò Vấp cho nhà văn Sơn Nam tá túc suốt 10 năm và trở thành người chạy xe ôm bất đắc dĩ, đã trở thành giai thoại đẹp của làng văn. “Mười năm đi và sống với Sơn Nam” là tên cuốn sách mà trong đó, tác giả Đào Tăng đã kể lại những chuyện mắt thấy tai nghe, những kỷ niệm lý thú về kỳ nhân độc đáo này.
 
Bức ảnh nhà văn Sơn Nam chụp cùng người thân được trưng bày tại nhà lưu niệm. Ảnh chụp lại
Bức ảnh nhà văn Sơn Nam chụp cùng người thân được trưng bày tại nhà lưu niệm. Ảnh chụp lại
Cả sự nghiệp nhà văn Sơn Nam luôn đeo đuổi đề tài về con người và vùng đất Nam Bộ thời khẩn hoang. Phương ngữ Nam Bộ được ông nâng lên thành một dạng thức văn hóa nên những tác phẩm của ông vừa khoa học vừa rất đại chúng.
 
Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Nhất Thống nói: “Nhà văn Hồ Biểu Chánh thì thường dùng những cụm từ như “dữ lắm đó đa”, còn Sơn Nam thì dùng “quá trời quá đất”, “trời ơi đất hỡi”... phương ngữ Nam Bộ mà Sơn Nam sử dụng vừa gần gũi vừa phổ biến, nó lột tả được chất khí khái của người Nam Bộ”.
 
Hạt bụi nghiêng mình nhớ đất quê
 
Nhà lưu niệm nhà văn Sơn Nam bên dòng kênh Bảo Định (tỉnh Tiền Giang) được thiết kế mô phỏng theo lối kiến trúc truyền thống Nam Bộ, mái lợp ngói. Trong nhà lưu niệm có hàng trăm cuốn sách, thủ bút của nhà văn cùng nhiều hình ảnh, tác phẩm hội họa thư pháp và kỷ vật gắn bó với ông. Đây cũng là địa chỉ văn hóa hết sức tự hào của người dân Tiền Giang và cả Nam Bộ.
 
Người thiết kế và xây dựng nhà lưu niệm nhà văn Sơn Nam là ông Trần Đức Nghị, chồng bà Đào Thúy Hằng, con rể nhà văn. Ông Nghị kể ý tưởng xây dựng nhà lưu niệm là muốn giữ lại những giá trị quý báu của nhà văn cho thế hệ sau, đó cũng là niềm tự hào của gia đình.
 
“Là rể, là con thì việc làm nhà thờ cho ông bà là chuyện bình thường. Trong lòng tôi thì nghĩ đó là cái để báo đáp công của mẹ vợ tôi. Bà lúc nào cũng trân trọng tình cảm của gia đình, trân trọng tài năng của nhà văn Sơn Nam.
 
Khi nhà lưu niệm làm xong thì có nhiều người đến viếng, thắp nhang cho ba tôi, tôi hạnh phúc lắm vì đó là dấu ấn đẹp. Rồi học sinh gần đây cũng hay ghé nhà lưu niệm, viết vào sổ lưu niệm rằng sau này con cũng muốn được như nhà văn Sơn Nam. Điều đó làm tôi và vợ tôi rất hạnh phúc”- ông Trần Đức Nghị xúc động chia sẻ.
Nhà lưu niệm được chăm sóc và ấm áp hương khói.
Nhà lưu niệm được chăm sóc và ấm áp hương khói.
Còn với chúng tôi, người thực hiện bài viết này, ấn tượng nhất có lẽ không gì ngoài những câu thơ in trên phiến đá ngay trước nhà lưu niệm: “Nắng mưa miền cố thổ/ Phong sương mấy độ qua đường phố/ Hạt bụi nghiêng mình nhớ đất quê”.
 
Đó là các câu cuối trong bài đề tựa của tập “Hương rừng Cà Mau”, như là tổng kết về cuộc đời “phong sương” của mình. Cả cuộc đời ông đi qua hầu hết đường phố của Sài Gòn- Chợ Lớn, và cả vùng đồng bằng Nam Bộ, để rồi cuối cùng, ông chọn nằm lại ở Bình Dương, làm “hạt bụi nghiêng mình nhớ đất quê”.
 
Hơn 80 năm tại thế, di sản mà nhà văn Sơn Nam để lại là kho kiến thức phong phú về vùng đất và con người Nam Bộ. Những tác phẩm vô cùng giá trị, lưu giữ cho đời sau những trang lịch sử, văn hóa sống động về quá trình hình thành và phát triển của vùng đất này.
Sơn Nam tên khai sinh là Phạm Minh Tày, sinh ngày 11/12/1926, tại làng Đông Thái, quận An Biên, tỉnh Rạch Giá (nay thuộc tỉnh Kiên Giang). Ông mất ngày 13/8/2008, tại TP Hồ Chí Minh. Con gái của ông, bà Đào Thúy Hằng, cùng với chồng là ông Trần Đức Nghị đã xây Nhà lưu niệm Sơn Nam bên dòng kênh Bảo Định. Phía trước là phù điêu bằng đá tạc chân dung nhà văn do họa sĩ Nguyễn Sánh thực hiện và một phiến đá chạm thủ bút nhà văn bài thơ “Hương rừng Cà Mau”.

Bài, ảnh: TRẦN NGỌC