Đờn ca tài tử- lan tỏa và tiếp nối

Cập nhật, 07:30, Thứ Bảy, 09/12/2023 (GMT+7)
Ngày 5/12/2013, UNESCO công nhận nghệ thuật Đờn ca tài tử (ĐCTT) của Việt Nam là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Qua 10 năm, ĐCTT xuất phát từ mạch nguồn cộng đồng lan tỏa trong đời sống nhưng vẫn luôn còn đó trăn trở về việc chính Nhân dân là người giữ gìn, phát huy và tìm ra thế hệ kế thừa. 
 Nghệ thuật Đờn ca tài tử được giới thiệu đến du khách quốc tế tại xã cù lao An Bình.
Nghệ thuật Đờn ca tài tử được giới thiệu đến du khách quốc tế tại xã cù lao An Bình.
 
Lan tỏa “món ăn tinh thần” của người Nam Bộ 
 
ĐCTT Nam Bộ là Di sản văn hóa phi vật thể thứ 8 của Việt Nam được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa đại diện của nhân loại và được bảo vệ ở cấp độ quốc tế, điều đó thể hiện sự trân trọng của cộng đồng quốc tế đối với loại hình nghệ thuật độc đáo này của Việt Nam.
 
Trải qua hàng trăm năm, nghệ thuật ĐCTT luôn cho thấy sức sống bền lâu, lan tỏa khắp các miền quê, thể hiện tâm hồn phóng khoáng, tình yêu quê hương đất nước, con người dân đất phương Nam. 
 
Ngành văn hóa-TT-DL của 21 tỉnh, thành từ Nam Trung Bộ đến miền Tây Nam Bộ đều đã xây dựng đề án, kế hoạch để bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật ĐCTT Nam Bộ. Tỉnh Vĩnh Long đã thực hiện Đề án Bảo vệ và phát huy giá trị nghệ thuật ĐCTT Nam Bộ tỉnh Vĩnh Long giai đoạn I từ năm 2016-2021 và hiện nay đang thực hiện đề án giai đoạn II từ năm 2022-2025 theo Quyết định số 1109 của UBND tỉnh. 
 
Ông Phạm Minh Hoàng- Phó Giám đốc Sở Văn hóa-TT-DL, cho biết, được xem là cái nôi của nghệ thuật ĐCTT, vùng đất Vĩnh Long đã sản sinh ra nhiều nghệ nhân, nghệ sĩ nổi danh, có những cống hiến to lớn, được Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý như: NSND Thành Tôn, NSND Út Trà Ôn, NSND Lệ Thủy,…
 
Qua 4 đợt xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú”, tỉnh cũng có 29 nghệ nhân được Chủ tịch nước phong tặng và truy tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” lĩnh vực ĐCTT. Theo thống kê, hiện nay trong toàn tỉnh có gần 900 CLB, đội, nhóm ĐCTT với hơn 8.000 thành viên.
 
Việc giữ gìn và phát huy nghệ thuật ĐCTT được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp chính quyền và các ngành đoàn thể ở địa phương cùng với niềm đam mê và lòng nhiệt huyết của các nghệ nhân, tài tử.
 
Đặc biệt là trong những năm qua, Sở Văn hóa-TT-DL đã chỉ đạo sát sao các địa phương duy trì các đợt sinh hoạt giao lưu, trao đổi kinh nghiệm giữa CLB ĐCTT, tạo động lực cho các CLB tiếp tục củng cố và giữ vững phong trào, chất lượng sinh hoạt ngày càng được nâng cao, hiệu quả tuyên truyền, quảng bá về nghệ thuật ĐCTT tại địa phương ngày càng sâu rộng và được đông đảo các tầng lớp Nhân dân tham gia.
 
Vun bồi cho thế hệ tương lai
 
Vừa qua, Sở Văn hóa-TT-DL đã tổ chức song song Hội thi ĐCTT, trích đoạn cải lương và Liên hoan ĐCTT lứa tuổi thiếu nhi. Đây là lần đầu tiên tỉnh tổ chức Liên hoan ĐCTT lứa tuổi thiếu nhi với hình thức mời nghệ nhân, tài tử tập luyện, truyền nghề cho các cháu thiếu nhi để các cháu tham gia trình diễn. 
 
Ông Phạm Minh Hoàng nhận xét: Nghệ nhân các địa phương đã tích cực hướng dẫn cho các cháu thiếu nhi tập luyện và dàn dựng để các cháu biểu diễn phù hợp khả năng lứa tuổi thiếu nhi, tất cả đã biểu diễn rất tự tin. Và đặc biệt hơn cả, sự kết hợp ca diễn, trình tấu âm nhạc tài tử cùng với sân khấu cải lương; sự hòa quyện trong trình diễn giữa các bậc tiền bối và các cháu thiếu nhi đã tạo nên màu sắc hết sức thú vị.
 
Tiết mục của các cháu thiếu nhi đã mang đến nhiều xúc động, thán phục của người xem. Số lượng các cháu thiếu nhi tham dự liên hoan chỉ khoảng 20 em nhưng đó cũng là thành công của sự nỗ lực, quyết tâm của BTC và các địa phương trong việc xây dựng lực lượng kế thừa ĐCTT và sân khấu cải lương tỉnh nhà.
 
Tài tử đờn nguyệt Lê Văn Thanh (huyện Long Hồ) chia sẻ: “Rất vui mừng vì được tham gia vào quá trình tìm kiếm, giúp sức cho các cháu thiếu nhi hiểu thêm về nghệ thuật dân tộc. Đây là cơ hội để các nghệ nhân, tài tử có điều kiện thực hành di sản, trao truyền kinh nghiệm, giao lưu thi thố tài năng nghệ thuật và phát hiện bồi dưỡng nguồn lực kế thừa, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật ĐCTT Nam Bộ”.
 
Em Đoàn Nguyễn Xuân Ái (lớp 8/2, Trường THCS Thuận Thới, Trà Ôn) tự tin thể hiện 20 câu xàng xê “Nhớ lời Bác dạy”. Xuân Ái kể: “Nhà hổng có ai tham gia nghệ thuật nhưng con nghe bà nội mở tivi coi cải lương từ nhỏ rồi con thích khi nào cũng hổng hay. Lúc mới tập luyện cũng khó khăn lắm nhưng yêu thích nên con cố gắng thật nhiều. Trong 3 ngày là con thuộc hết bài. Sau này nếu có cơ hội, con muốn học thêm thật nhiều nữa về ĐCTT của quê nhà mình”.
 
Bé Kim Ngân (huyện Bình Tân) thể hiện 20 câu xàng xê nhịp 4 và 2 câu vọng cổ “Lòng mẹ hậu phương”. Cô bé 8 tuổi được trao giải tài tử nhỏ tuổi nhất. Ôm phần thưởng là một cây đàn guitar, Kim Ngân rưng rưng ngồi nâng niu như báu vật và muốn gọi điện ngay khoe với cha mẹ đang đi làm ở nơi xa. 
 
Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Thị Phóng bày tỏ niềm vui và sự tin tưởng vào thế hệ kế thừa: “Tôi trực tiếp hướng dẫn cho bé Nhựt Phương ở TP Vĩnh Long. Vào buổi đầu, bé chỉ biết 1 bài Bắc duy nhất nhưng khi được các anh chị hướng dẫn, bé yêu thích và say sưa tìm hiểu. Chỉ đúng 1 tuần là bé tiếp thu và hát được 2 bài vọng cổ.
 
Muốn thế hệ hôm nay yêu thích nghệ thuật dân tộc thì những người đi trước phải tạo điều kiện để thế hệ hôm nay được tiếp xúc, được hiểu và dần dần các bé sẽ yêu. Điều đó cần sự nỗ lực rất lớn chứ không thể thực hiện trong một sớm một chiều”. 
 
Rất cần những sân chơi để các em thiếu nhi được tiếp cận và yêu thích đờn ca tài tử.
Rất cần những sân chơi để các em thiếu nhi được tiếp cận và yêu thích đờn ca tài tử.
Phó Giám đốc Sở Văn hóa-TT-DL- Phạm Minh Hoàng mong muốn: “Các đơn vị, địa phương đặc biệt quan tâm đến việc phát triển đội ngũ ĐCTT lứa tuổi thiếu nhi vì đó là lực lượng quyết định sự phát triển của ĐCTT- cải lương trong tương lai”.
 
Thời gian tới, cần tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của toàn xã hội; đặc biệt là trách nhiệm của thế hệ trẻ đối với việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa nói chung, nghệ thuật ĐCTT nói riêng. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hành, sáng tạo và truyền dạy nghệ thuật ĐCTT Nam Bộ trong các gia đình, trường học, các CLB và cộng đồng dân cư...
Bài, ảnh: PHƯƠNG THƯ