Truyện ngắn: Miền ký ức...

Cập nhật, 21:44, Thứ Bảy, 09/12/2023 (GMT+7)

(Theo lời kể của chú Ba T.- một cựu chiến binh chiến đấu ở chiến trường Lào)

NGUYỄN LINH

Năm 1971, một buổi chiều yên ắng, không tiếng súng, không mùi thuốc nổ, không tiếng máy bay rầm rú trên bầu trời. Từ xa, tôi lại thấy họ- ba người- cũng thấp thoáng từ phía một con suối nhiều ghềnh thác, đi ngang qua đơn vị bộ đội đóng quân rồi chậm rãi hướng về một bản nhỏ, lúp xúp những căn nhà sàn vắng ngắt không một bóng người.

Chiều nay, vẫn là điệp khúc cũ, giống hệt những buổi chiều bình lặng khác. Đi đầu là cô gái khoảng 20 tuổi, bới tóc cao, không mặc váy màu sặc sỡ có hoa văn là những đường viền thêu hoa lá, chim muông như những cô gái Lào mà tôi biết. Cô mặc áo tay dài màu chàm pha nâu, trên lưng mang chiếc gùi.

Đi sau là một bé trai tuổi lên 9, lên 10, mái tóc loe hoe vàng vì nắng gió. Mắt em to, tròn nhưng hay nheo nheo trong ánh nắng chiều chưa tắt, tay xách một xâu cá chừng 6, 7 con. Sau cùng là một người đàn ông trạc 50, da nâu đậm, mặc quần ngắn, tay cầm một con dao giắt trong bao gỗ. Và chiều nay, họ vẫn lẳng lặng lầm lũi bước. Thỉnh thoảng thằng bé bẻ một nhánh cây ven đường huơ huơ như đang biểu diễn một điệu múa nào đó.

Có lẽ họ là một gia đình. Tôi, một chiến sĩ Việt Nam, xa đất nước, đang nghe thèm lắm một gia đình nên nhiều lần muốn chạy đến bên họ hỏi thăm, trò chuyện để vơi bớt nỗi nhớ quê. Nhưng họ là... không cùng ngôn ngữ thì nói được gì với nhau, để hiểu và san sẻ cùng nhau.

Càng nhìn họ, tôi càng nhớ đứa em gái, người cha và thằng bé Cu Tèo con chú Sáu ở quê nhà. Trong khi rất nhiều bà con ở các bản làng của đồng bào Lào đã tự nguyện rời bỏ nhà cửa, nương rẫy để tránh bom đạn Mỹ đánh phá ác liệt và để cho tuyến đường Trường Sơn khai thông thì họ vẫn bám trụ ở lại đây. Tại sao? Tại sao?

Sau một lúc chần chừ, tôi đến bên gật đầu cười xã giao. Ba người dừng bước, đồng loạt chắp tay cúi chào theo phong tục. Và thật bất ngờ, người đàn ông bỗng buột miệng hỏi tôi:

- Chú là... là bộ đội Việt Nam phải không?

Nghe giọng nói bằng tiếng Việt hơi lơ lớ, tôi lúng túng, ngập ngừng:

- Dạ phải. Ủa, chú là...?

- Tôi là người Lào.

Thấy tôi tròn mắt, người đàn ông tiếp lời:

- Lúc nhỏ, nhiều lần đi với cha đến biên giới Việt Nam trao đổi hàng hóa nên tôi biết tiếng Việt. Chú Út của tôi thì lấy vợ người Việt, sống ở Việt Nam, lúc nhỏ tôi qua cửa khẩu ở nhà chú thím chơi có khi đôi ba tháng mới về. Lúc trước, cái chợ nhỏ gần đây thỉnh thoảng cũng có người Việt qua buôn bán. Tiếng Lào, tiếng Việt hai bên đều nói được, lâu dần thành thân quen như chỗ thâm tình.

Giữa núi rừng Trường Sơn bạt ngàn ở nước bạn, được nghe tiếng Việt từ một người Lào, tôi chợt nghe lòng mình ấm lại nên ngỏ ý muốn đến nhà chơi. Người đàn ông sau một lúc chần chừ thì gật đầu rồi nói với hai con điều gì đó, có lẽ là ngồi chờ bên gốc cây cổ thụ để tôi quay lại đơn vị xin phép.

Hiểu được thành ý, Trung đội trưởng mỉm cười, vỗ vào vai tôi: “Tình hình đêm nay chắc ổn. Vả lại, đồng chí đi thăm đồng bào Lào là một việc tốt. Nhân dịp tôi phân công đồng chí tìm cách thuyết phục gia đình họ tạm di dời nơi khác để đảm bảo an toàn. Cố gắng hoàn thành, đây là nhiệm vụ rất quan trọng!”.

Trên đoạn đường đến nhà, tôi được người đàn ông giới thiệu tên để làm quen. Tiếng Lào, tôi không biết, họ tên của họ càng khó nhớ vì dài. Tôi chỉ gọi để xưng hô đại khái một hoặc hai từ theo phiên âm tiếng Việt. Người đàn ông, tôi gọi là chú Xay-phen, cô con gái lớn tên Tha-na, cậu bé thì tên Keo, ngắn gọn, dễ nhớ.

Nghe tôi kêu tên như vậy, ba người ôm bụng cười. Chú Xay-phen nói: “Khác người Việt Nam, người Lào gọi tên trước, họ sau. Chú bộ đội kêu tên ba cha con tôi như vậy không biết là họ hay tên luôn”. Tôi đỏ mặt, cười giả lả: “Xin chú và hai em thông cảm cho con!”. Chú lại cười: “Không biết thì không chấp. Mà, gọi tên cách này nghe cũng hay hay! Còn tên của chú em… tôi chỉ thích gọi là chú bộ đội, được không?”.

Nhà chú Xay-phen, ngôi nhà sàn đơn sơ nằm cặp con sông nhỏ, đoạn dòng nước ngoằn ngoèo mà êm ả như một dải lụa mềm. Xa xa là những ngôi nhà sàn với các bậc thang gỗ nhẵn bóng theo thời gian nhưng vắng lặng, không một bóng người.

Nhìn hoàng hôn rây những tia nắng vàng xuyên qua tán rừng, đôi chỗ đã rách bươm vì bom đạn chợt tôi nghe lòng mình chùng xuống, se sắt một nỗi buồn. Chiến tranh, nếu không có chiến tranh chắc cảnh và người ở đây sẽ đẹp tựa một bức tranh cổ tích cạnh dòng sông thơ mộng.

“Ba người bạn Lào” sau khi tắm xong thì bước ra, lại một lần nữa họ đồng loạt chắp tay cúi chào. Xong, thằng bé Keo chạy ra bờ sông chơi một mình. Cũng phải, giờ bản này chỉ còn một gia đình duy nhất.

Tôi cũng cúi đầu chào lại và thật bất ngờ khi nhìn cô gái Lào vùng sơn cước bới búi tóc cao gọn gàng, càng xinh đẹp hơn trong chiếc váy hoa, vài đường kẻ có màu đậm, tươi tắn. Chú Xay-phen thì trông như trẻ ra với chiếc áo sơ mi cổ tròn, khuy vải, quàng chiếc khăn chéo qua ngực.

Có lẽ đây là những bộ trang phục dành cho ngày tết hay lễ hội. Nhưng tại sao hôm nay…? Đúng rồi, mến khách, tôi nghe nói người Lào rất mến khách. Và dường như đã lâu rồi trong căn nhà này mới có khách đến chơi, hơn nữa lại là tôi- một anh chàng bộ đội Việt Nam.

Cô gái dọn cơm ra mời khách bằng nụ cười thật dễ mến, và tất nhiên cũng không thể thiếu rượu, được biết đây là loại rượu do gia đình tự nấu theo truyền thống. Đã ăn cơm ở đơn vị từ chiều, tôi dị bụng dùng thêm chút cơm đạm bạc với mấy con cá nướng và mớ rau rừng luộc.

Là người lính đang trong thời điểm dầu sôi lửa bỏng, tôi xin phép không uống rượu, chỉ dùng trà. Chú Xay-phen gật đầu, cười: “Ờ, ờ, bộ đội phải tỉnh táo để biết đường mà đánh giặc!”.

Người đàn ông uống rượu, có lẽ men rượu khiến con người ta dễ bày tỏ những tâm sự thầm kín nhất nên cuộc chuyện trò giữa hai chú cháu càng thân tình hơn. Chú say sưa kể về bản làng thân yêu của mình ngày trước. Và trong câu chuyện, lúc nào cũng có bóng dáng của các lễ hội, càng không thể thiếu hình ảnh những ngôi chùa.

Qua đó, tôi nhận ra ở đất nước Lào, phần đông theo tín ngưỡng Phật giáo nên cái tâm hướng thiện mà theo chú Xay-phen gọi là “Thiện nghiệp” luôn hiển hiện trong tâm và cách đối nhân xử thế của mọi người.

Chú Xay-phen lập gia đình trễ, ở tuổi 32. Vợ chú, cô gái ở bản bên, cách hai con suối, có mái tóc dài, đen mượt, tính hiều dịu và vô cùng uyển chuyển trong điệu múa lăm vông. Nhưng người vợ vắn số, đã mất sớm trong cái ngày lũ từ thượng nguồn đổ về trong dòng nước cuồn cuộn, rầm rú.

Ngày vợ mất, theo phong tục, những người thân dù đau thương nhưng không được khóc thảm thiết mà chỉ nén trong lòng. Và chú, chú cũng đã cố gắng kìm để bao nước mắt chảy ngược hết vào trong. Chú một mình gà trống nuôi con. Đến bây giờ thì đứa con gái lớn đã 19 tuổi, thằng Keo ngày nào còn ẵm trên tay giờ đã lên 10.

Tôi vừa hỏi thăm mà cũng vừa làm công tác tư tưởng:

- Sao chú không đưa hai em đi di tản nơi khác cùng mọi người trong bản? Bây giờ ở đây, chiến tranh…

Người đàn ông hướng mắt ra đại ngàn sâu thẳm, thở một hơi thật dài:

- Biết là nguy hiểm, nhưng… ở đây còn ông bà, cha mẹ, và… còn có…- Chú nói, hai hố mắt chú trũng sâu, đong đầy nước- Đây là bộ đồ vợ tôi hay mặc và múa hát trong các lễ hội, gần chỗ cây cầu thang này là nơi vợ tôi thường ngồi dệt vải, vợ tôi mong con gái được 10 tuổi để chính tay mình dạy cho con bới tóc theo phong tục của bản làng.

Vậy mà không chờ được, bả đi, đi xa lắm rồi. Bây giờ sao tôi có thể đành lòng bỏ đi nơi khác được chú bộ đội ơi!

Tôi lặng người, nghe mắt mình đang ứ nước, cay cay.

Chú Xay-phen nhấp thêm một ngụm rượu rồi với tay lên vách lấy chiếc khèn tre đóng đầy bụi chắc lâu rồi không thổi. Trong đêm, tiếng khèn ray rắc như những giọt mưa rừng.

Từ tiếng khèn, tôi nghe đâu đấy như có tiếng suối chảy róc rách, tiếng gió rừng xào xạc, tiếng côn trùng nỉ non trong đêm và tiếng chày giã gạo hòa cùng tiếng thút thít của hai chị em Tha-na và Keo bên bậc thang gỗ. Không mưa mà tôi nghe lạnh, cái lạnh chạy dọc theo sống lưng, run lẩy bẩy như có ngọn gió nào vừa luồn vào, xoáy sâu, thổi miết.

Tha-na ơi! Keo ơi! Phải chi anh biết tiếng Lào, anh sẽ an ủi, vỗ về hai em như những đứa em ruột thịt ở quê nhà Việt Nam. Anh chỉ biết nhìn hai em thật trìu mến để thay bao lời muốn nói, mong hai em hiểu được lòng anh.

Tôi đến bên, ôm bé Keo vào lòng, hôn lên mái tóc khét nắng của nó. Bé Keo quệt nước mắt nhìn tôi rồi hướng về chú Xay-phen nói câu gì đó mà tôi không hiểu. Nhìn đôi mắt tròn xoe, sóng sánh nước của nó, tôi đoán có lẽ bé Keo muốn nhờ tôi an ủi người cha đáng thương của nó.

Nhưng trong lúc này, tôi không đủ can đảm nhìn chú Xay-phen, chỉ hình dung đến cái dáng gầy gầy của một người đàn ông đau khổ đang gửi lòng qua những âm thanh bằng đôi tay lao động gân guốc. Có lẽ mắt chú đang rịn nước bởi lòng đang đau, đang rát như tàn tro đang xát vào những vết xước trong lòng.

Tiếng khèn vừa dứt, tôi nắm tay bé Keo, đến bên chú Xay-phen, cho nó ngồi vào lòng chú. Chú kéo khăn lau nước mắt cho nó rồi nói chuyện nhẹ nhàng như an ủi đứa con. Tôi nói:

- Nhờ chú nói lại với hai em là con rất thương tụi nó. Nhất là bé Keo, một đứa bé rất dễ thương. Chú nghe con, hãy tạm rời đi nơi khác, đến chỗ ở mới cùng mọi người, một là vì sự an toàn của cả gia đình, hai là để bé Keo được tiếp tục đi học.

Tình thương chú dành cho thím và những người thân đã mất mình giữ mãi trong lòng, có phật trời chứng giám. Mai này, khi đánh tan quân giặc, chú và bà con sẽ trở về đây… Xin chú hãy nghe và tin tưởng nơi con.

Người đàn ông ngó ra màng đêm, quay lại nhìn tôi và hai đứa con rồi gật đầu, cười nhẹ:

- Lần này, vì hai con, tôi nghe lời chú bộ đội Việt Nam có lòng thương người. Sáng sớm mai, cha con tôi ra suối gom mấy cái lờ đặt cá, lên rẫy bẻ bắp rồi thu xếp đến trưa là lên đường. Chúc chú bộ đội mạnh khỏe, đánh thắng giặc để bản làng được bình yên.

Chú quay sang nói chuyện với hai người con. Nghe được mấy câu, thằng bé nhảy thót lên, ôm lấy cổ tôi, hai chân nó kẹp lấy hông tôi không rời. Rồi bỗng dưng buông tay đánh phịch xuống sàn nhà, nó đứng lên, cười. Nó tung tăng khắp nhà, chân nhảy, tay múa, miệng hát trong niềm vui khó tả. Không hiểu lời bài hát nhưng với tiết tấu vui nhộn thế này, tôi chợt nghe hạnh phúc đang dâng lên, dậy ngập trong lòng.

Trở lại đơn vị, miệng tôi cứ cười suốt nên bị mấy anh bạn nói tôi bị điên, mấy anh quê ở miền Bắc thì nói tôi “dở hơi”. Điên? Dở hơi? Mặc kệ! Tôi vui, không phải vì được đồng chí Trung đội trưởng khen ngợi làm “dân vận” khéo mà vì cái tình đối với ba con người xa lạ trên đất bạn, vì tương lai của hai em Tha-na và Keo.

Nhưng rồi khoảng 6 giờ sáng hôm sau, một trận chiến đấu rất ác liệt đã diễn ra. Sau gần một giờ đồng hồ, quân ta phản công đánh tan cánh quân của địch và được lệnh chuẩn bị chuyển nhanh địa bàn, kịp thời cơ để tiếp tục truy quét nhóm tàn quân đang tháo chạy.

Nhìn về hướng Nam, ngôi bản nhỏ vẫn bình yên, tôi mừng thầm: “Ba người bạn Lào” của tôi chắc được an toàn. Nhưng… tôi bỗng giật thót tim khi nhớ lại lời nói của chú Xay-phen rằng sáng sớm họ sẽ tranh thủ ra suối, lên rẫy…

Thời gian chuẩn bị hành quân đang diễn ra khá gấp nhưng tôi tranh thủ báo cáo với đồng chí Trung đội trưởng rồi chạy như bay ra con suối, nơi gia đình chú mỗi ngày thường bắt cá với hy vọng rằng họ không đến đó trước 6 giờ. Tôi chạy, thần kinh căng như sợ dây đàn, chân muốn ríu lại và lòng thầm cầu mong cho gia đình họ được bình yên.

Đến nơi, cây rừng đổ nát, dấu tích bom đạn vung vãi khắp nơi. Nhưng rồi... tôi bủn rủn sắp ngã quỵ bên dòng suối, kêu lớn: “Chú Xay-phen!... Tha-na!... Keo!...” vì chợt nhìn thấy cô con gái và người cha đang quằn quại bên xác bé Keo đẫm máu. Quá đau đớn, không thể kìm được nước mắt, chú vừa khóc vừa thét và gọi tên con vang động cả núi rừng. Tôi chạy đến bên chú, nức nở, nghẹn ngào.

Chú đấm vào ngực mình bằng đôi tay run rẩy: “Đưa hai con đi, không kịp... không kịp rồi! Tại tôi, tại tôi hết! Tôi đã hại chết con mình rồi chú bộ đội ơi!”. Rồi chú ngẩng đầu lên, những nếp nhăn trên gương mặt người đàn ông kéo về đuôi mắt, khóe miệng, bật lên thành lời: “Bà ơi, xin bà tha thứ cho tôi!”.

Gió thổi mạnh, lá rừng rơi ngổn ngang. Sờ vào đôi mắt nhắm nghiền của thằng bé dưới vầng trán bê bết máu, tim tôi chợt nghe thoi thóp đến khó thở.

Tôi lại tiếp tục hành quân. Tuyến đường Trường Sơn đã chứng kiến trọn vẹn ký ức hào hùng, bi tráng của dân tộc. Sau đó và mãi đến tận bây giờ, trong miền ký ức của tôi luôn nhớ về cái nhảy thót ôm lấy cổ, nhớ đôi chân kẹp lấy hông tôi, nhớ điệu múa vui tươi, câu hát hồn nhiên của một đứa bé Lào vừa tròn 10 tuổi. Keo ơi! Em luôn sống mãi trong lòng anh!