Truyện ngắn: Chung một mái nhà

Cập nhật, 05:19, Thứ Bảy, 25/11/2023 (GMT+7)
Tranh minh họa: Trần Thắng
Tranh minh họa: Trần Thắng
Thời gian như cơn gió thoảng. Nhớ như in cái cảm giác mới ngày nào vừa được nghỉ hè, bạn bè tôi đứa nào cũng vội vã xách ba lô về quê thăm người thân. Thấm thoắt một kỳ nghỉ hè nữa lại sắp kết thúc. Chúng tôi như đàn chim Sơn Ca lại chuẩn bị rời tổ, tiếp tục cuộc hành trình đi tìm kiếm tri thức, tô điểm cho đời thêm tươi.
 
Tôi đang loay hoay vừa sắp xếp đồ đạc, vừa bịn rịn những lời chia tay với mẹ thì phát hiện có tin nhắn Zalo trên điện thoại.
- Alo, mọi người lên chưa? Mình đã tới trường rồi.
 
Dòng tin nhắn kèm theo ảnh chụp tổng quan dãy ký túc xá gửi lên nhóm Zalo “Bạn thân” như một minh chứng hữu hình cho tin nhắn của Si La- là động lực thôi thúc, giục giã mọi người nhanh chóng quay trở lên trường họp mặt sau một khoảng thời gian nghỉ hè.
 
Nhóm “Bạn thân” của tôi có 3 người. Tôi, Si La và Li Na. Quê tôi ở miệt Trà Ôn. Với điều kiện thuận lợi là học ở trường ĐH trong tỉnh, cứ vài tuần là tôi về thăm gia đình. Còn quê hai bạn ở xa, tận bên Lào và Campuchia. Một năm chỉ về nước vào dịp nghỉ hè. Có năm dịch bệnh bùng phát, nghỉ hè các bạn phải ở lại ký túc xá trường, chung tay cùng nhà trường đẩy lùi dịch bệnh.
 
***
 
Ngày đầu tiên đến trường nhập học, tôi đăng ký ở ký túc xá. Nhận phòng và sắp xếp đồ đạc xong cũng là lúc trời vừa khuất mình, tay chân rã rời, bụng đã cồn cào. Tôi thả bộ xuống căng tin ăn cơm. Vừa ra cổng ký túc xá gặp Si La một mình đứng lóng ngóng, hình như đang tìm nơi nào đó. Thoáng nhìn qua trang phục, tôi biết bạn là người đến từ nước Lào. Có lẽ bạn mới sang nên chưa rành đường đi nước bước.
 
- Bạn mới sang Việt Nam phải không, tôi có thể giúp được gì cho bạn?
 
Si La chưa biết tiếng Việt nên không hiểu tôi nói điều gì. Còn bạn nói với tôi thì cũng như nước đổ lá môn. Đúng lúc có một chị là lưu học sinh Lào đi ngang và nói điều gì đó với Si La một lúc rồi quay sang bảo tôi:
- Bạn định đi xuống căng tin phải không?
 
- Đúng rồi!
- Nhờ bạn hướng dẫn dùm bạn này xuống căng tin với!
- Ok.
 
Đến căng tin trường, Si La nhìn dáo dác xung quanh. Tôi dẫn bạn đến quầy chọn thức ăn, một hồi lâu bạn mới chọn được món. Cả hai đến ngồi cùng một bàn ăn. Giờ cao điểm căng tin trường rất đông. Đúng lúc này, Li Na cầm dĩa cơm đến ngồi chung bàn với chúng tôi. Li Na ngồi xuống bàn, ăn và thỉnh thoảng mắt nhìn quanh chúng tôi rồi nở nụ cười tươi. Ăn xong, tôi và Si La đi về ký túc xá. Li Na cũng tranh thủ về theo cùng.
 
Si La và Li Na là lưu học sinh nước ngoài vừa mới sang đây học. Cả hai đang học lớp tiếng Việt dành cho người nước ngoài. Trải qua hơn một tháng, các bạn đã nói được một số từ cơ bản.
 
Chiều cuối tuần, bất thình lình hai bạn đến phòng tìm tôi, nhờ tôi dạy thêm tiếng Việt. Chúng tôi cùng ra vườn hoàng trúc phía sau ký túc xá. Từng khóm hoàng trúc vàng óng, sum suê, lộng lẫy, các cây đan xen nhau kết thành những mái nhà sừng sững. Không biết từ lúc nào nơi đây đã được trang bị các bàn cho sinh viên tự học.
 
Tôi hướng dẫn cho hai bạn từ cách phát âm đến nghĩa của một số từ tiếng Việt thông dụng như: xin chào, cám ơn, xin lỗi, bạn tên gì, bạn bao nhiêu tuổi, bạn đến từ đâu… Có những từ tôi mới nói qua một lần là các bạn đã nhớ và có thể tập tành nói được. 
 
Một lần nọ, khi tôi giải thích nghĩa của một vài từ xưng hô hàng ngày trong gia đình của người dân Nam Bộ như: ba, tía, má, chú, thím, cô, dì, dượng… Mới nghe xong một vài từ, Si La kề vào tai Li Na thỏ thẻ với cái giọng đơn đớt của người nước ngoài mới học tiếng Việt: 
- Tiếng Việt nhiều nghĩa thật! 
 
***
 
Tan học, Si La và Li Na lại tìm tôi và rủ ra chợ mua ít thức ăn. Ngay giờ tan tầm, chợ Phước Yên đông nghịt người. Công nhân, sinh viên ra nờm nợp. Tôi đi trước, hai bạn theo sau. Đến sạp trái cây, Si La chỉ tay vào chùm nhãn xuồng to đùng, chưa kịp nói nữa là bà chủ sạp đoán biết trước ý muốn của bạn nên liền bảo:
- Nhãn xuồng 20 ngàn một ký!
 
Tôi nói đệm thêm và kết hợp với diễn tả bằng cử chỉ để bạn dễ hiểu hơn. Đi ngang quán nước, thấy có buồng dừa tươi xanh trưng bày trước quán, Li Na tự tin hỏi người chủ quán:
- Cô ơi, dứa bao nhiêu một trái?
 
Tôi liền điều chỉnh:
- Không phải, đó là trái dừa, không phải dứa. 
Li Na cười xòa, cố gắng phát âm lại:
- Hi, trái dừa, bao nhiêu ạ?
- Tám ngàn đồng một trái con gái à.
 
Li Na đưa ba ngón tay ý nói với bà chủ là lấy ba trái dừa. Cô chủ quán niềm nở nhanh chóng lấy dao tách ba trái dừa ra khỏi buồng, chặt bỏ một phần đầu trái dừa và ghim sẵn ống hút. Mỗi đứa một trái. Hút một ngụm nước dừa, Li Na tấm tắc khen:
- Wow, dừa ngon tuyệt!
 
***
 
Mẹ tôi ở quê vừa lên thăm con gái. Sợ con gái xa nhà, học hành mà ăn uống thất thường sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe và việc học tập của con nên xách theo lỉnh kỉnh thức ăn: bánh xèo thịt vịt xiêm củ hủ dừa, giỏ cam sành, bưởi da xanh… 
- Bánh xèo nhiều lắm! Con bày ra để lên bàn và mời các bạn lên ăn cùng cho vui.
- Dạ!
 
Biết con gái thích ăn bánh xèo thịt vịt xiêm củ hủ dừa nên tự tay mẹ đổ bánh mang từ nhà lên. Món này ăn kèm với lá cách, cát lồi thì ngon số dách. Tôi bày ra mời các bạn trong phòng cùng ăn. Sực nhớ hai người bạn chơi chung của mình, nên tôi xin phép mẹ:
- Cho con rủ thêm hai bạn, một bạn Lào, một bạn Campuchia nữa nha mẹ.
- Ừa, con mời bạn ăn chung cho vui. 
 
Tôi liền lấy điện thoại gọi cho Si La và Li Na. Ngồi vào bàn, hai bạn hết nhìn nhau rồi lại nhìn quanh mọi người. Hiểu ý, tôi lấy lá cải bẹ xanh để lên tay, lần lượt xếp lá cách, lá cát lồi lên trên lá cải bẹ xanh. Tay ngắt một miếng bánh có đầy đủ nhân để lên rau. Sau đó dùng hai tay cuốn tròn phần rau và bánh lại. Chấm vào chén nước mắm. Từ từ đưa lên miệng thưởng thức:
 
- Món này các bạn ăn như vầy. Phải ra tay bốc mới ngon.
Hai bạn bắt chước làm theo y hệt như tôi hướng dẫn. Lấy đủ loại rau, để bánh xèo lên rau và cuốn. Chấm nước mắm, đưa lên miệng. Từ từ nhai:
- Ư, ngon!
- Ăn được không tụi con?
 
- Dạ, bánh ngon ạ!
Trong lúc chúng tôi ăn bánh xèo thì mẹ cặm cụi lấy bịch nilon chia cam sành ra thành từng phần nhỏ. Đến lúc Si La và Li Na ra về, mẹ dúi vào tay mỗi bạn một bịch cam:
- Này là cam sành nhà bác trồng. Tặng các con ăn lấy thảo.
Cả hai hí hửng, cuối đầu nhận quà và luôn miệng cám ơn mẹ tôi.
 
***
 
Tết Chol Chnam Thmay (Campuchia) và Tết Bun Pi May (Lào), nhà trường tổ chức hội thi nấu ăn dành cho các bạn lưu học sinh Lào và Campuchia. Mỗi phòng một đội thi nấu các món ăn đặc trưng, truyền thống vào ngày Tết của dân tộc. Si La và Li Na tham gia ở hai đội khác nhau. Đội của Si La nấu món lạp cùng với xôi nếp. Đội Li Na nấu món cà ri. Cả hai đều đạt giải trong hội thi. Kết thúc hội thi, Si La hớn hở đến phòng tôi khoe giải và không quên mang theo món ăn vừa đạt giải để mời tôi:
 
- Dung ăn thử món này nhé!
Lần đầu tiên tôi được ăn món lạp. Hương vị tươi ngọt từ thịt hòa quyện với thính thơm nồng, vị chua cay, mằn mặn của gia vị rất hấp dẫn. Còn xôi thì khỏi chê, dẻo, thơm và rất ngon. Tôi đang say sưa thưởng thức món ăn, bỗng Si La bảo:
- Bạn đưa tay đây.
 
Tôi giơ cánh tay dang ngang, Si La lấy cọng chỉ màu vàng cột vào cổ tay tôi. Vừa cột vừa lẩm bẩm:
- Năm mới may mắn, khỏe mạnh và hạnh phúc nhé bạn! 
Không biết Li Na đến từ lúc nào. Bạn ấy đang cầm tô cà ri đứng nép trước cửa phòng, chờ Si La làm xong nghi thức rồi liền bước vào:
- Món này mình dành cho Dung nè!
 
Tôi tiếp nhận và cám ơn sự nhiệt tình của hai người bạn. Đây chỉ là mới khởi đầu, còn nhiều phần việc mà các bạn lưu học sinh chuẩn bị cho dịp tết. Trước lúc rời đi, hai bạn mời tôi cùng tham gia lễ hội té nước cùng với các bạn lưu học sinh được tổ chức vào chiều nay. 
- Dung tham gia nhé. Vui lắm!
 
- Ok.
Tới giờ, các bạn quay quanh hồ nước nhân tạo được làm bằng tấm bạt cao su. Cùng nhau hát hò, la hét inh ỏi, tạt nước lẫn nhau, những giọt nước tung trắng xóa, ướt nhèm. Tôi vừa mới tới đã bị các bạn lôi vào và tạt nước cả người ướt như chuột lột. Đúng là vui thiệt! 
***
- Alo, tôi vừa lên tới phòng, Li Na qua tới chưa?
Tôi vừa gửi tin nhắn lên nhóm, Li Na liền phản hồi:
- Rồi!
- Ok, lát nữa tụi mình gặp nhau ở vườn hoàng trúc nhé!
- Ok.
Bạn bè gặp lại sau khoảng thời gian nghỉ hè ai nấy cũng tay bắt mặt mừng. Kể huyên thuyên đủ thứ chuyện. Si La bảo:
 
- Lần này về nước mình đã kể cho người nhà nghe rất nhiều chuyện về thầy cô, bạn bè ở Việt Nam. Đặc biệt khi học ở ngôi Trường ĐH Cửu Long, tôi đã may mắn quen được những người bạn tốt như Dung nè, Li Na nè. Các bạn luôn giúp đỡ, động viên, chia sẻ trong lúc gặp khó khăn. Những lần tôi ốm đau, phải nhập viện, hai bạn thay phiên nhau thức trắng đêm bên cạnh mình.
Li Na chen lời: 
- Còn mình, về nước mẹ hỏi “Sang Việt Nam học có vui không?”. Tôi bảo “Vui lắm mẹ ạ!”. Con luôn xem mái Trường ĐH Cửu Long là ngôi nhà thứ hai của mình. Ở nơi đó, thầy cô, bạn bè rất thân thiện. Họ luôn yêu thương, tận tình giúp đỡ lưu học sinh như chúng con. Mọi người dạy con biết được nhiều thứ từ ngôn ngữ, đến món ăn, phong tục tập quán. Con rất biết ơn mọi người ở đó!
Nói đến đây, Li Na dừng lại, lấy 2 chiếc khăn rằn ra lần lượt quàng qua cổ tôi, rồi đến Si La. Bạn bảo:
 
- Đây là quà mình mang từ nước của mình sang để tặng hai bạn.
- Chút xíu nữa quên. Mình cũng có mang quà tặng hai bạn nè.
Si La lấy hai bịch cà phê mang từ Lào sang tặng tôi một bịch, Li Na một bịch. Loại cà phê này trước đây Si La đã pha cho tôi uống thử một lần. Mùi cà phê thơm phức, hương vị rất ngon.
Tôi chạy ù về phòng xách hai bịch cam sành, hổn hển bảo:
- Đây, quà của mẹ mình gửi tặng hai bạn nè!
Li Na cám ơn tôi và gửi lời cám ơn mẹ tôi:
- Bạn cho tụi mình hoài làm ngại lắm!
 
- Ngại gì mà ngại. Chúng mình xem nhau như người thân trong gia đình, cùng học chung một trường. Chung một mái nhà thì có gì đâu mà phải ngại.
Chúng tôi tiếp tục câu chuyện kể về quê hương của mỗi người. Hết đứa này đến đứa khác. Kể mê mẩn, say sưa, thi thoảng xen lẫn lời kể lại cất lên những tiếng cười khúc khích.
NGUYỄN VĂN DÔ