Ghe xuồng xuôi ngược trên sông- sao chỉ là nỗi nhớ?

Cập nhật, 17:26, Chủ Nhật, 09/06/2024 (GMT+7)

Dì ba ngồi bó gối nhìn ra con sông nhỏ trước nhà kín rác thải, với lục bình. Hàng ngày, các con và cháu của dì vẫn xuống sông cắt lục bình phơi khô, đan thảm. Kể ra thì nhà dì ba là một trong những hộ còn lại của xóm nhỏ này mưu sinh theo sông. Nhưng “cái cách sống theo sông ngày nay sao mà cũng khác mấy chục năm trước quá?”. Dì ba tha thiết nhớ cái thời xứ mình còn tấp nập đi ghe xuồng xuôi ngược trên sông.

Dì cho biết năm nay đã 72 tuổi. Thời dì còn trẻ, cả nhà sống nương theo ruộng đồng, sông rạch. Ngày ngày làm ruộng rẫy, kéo vó, đặt lờ bắt cá, bắt cua. Đi chợ, chở lúa từ đồng về nhà, chở lúa đi chà, đi đám tiệc… đều bằng ghe, xuồng. Nước mần ruộng, tưới cây, rửa chén, giặt đồ… cũng từ sông rạch hoặc hứng nước mưa. Ấy vậy mà sông ngày trước nước lại sạch và thông thoáng hơn bây giờ, kể ra cũng lạ!

Theo dì ba, mấy chục năm trước không thể ngờ có ngày, sông rạch lại kín mít như bây giờ. Có lẽ, do ghe tàu không còn đi lại nhiều, lục bình sinh sôi nhanh, phủ kín... Nhưng đáng nói còn do sông đang cõng hàng trăm thứ rác, trong đó có cả nệm, gối, gấu bông, thùng nhựa, chai đựng thuốc xịt lúa… Rác ứ đọng từ năm này qua tháng nọ và ngày càng nhiều lên do nhiều người quăng xuống tiếp mỗi ngày. Chưa kể, nhiều thứ nước thải đang âm thầm chảy trực tiếp ra sông… Như vậy, thử hỏi sông rạch nào có thể sạch và thông thoáng cho được?

Thật vậy, nhiều sông rạch ngày nay bị bưng bít, ô nhiễm vì rác thải. Để trả lại vẻ đẹp tự nhiên cho sông rạch, nhiều nơi phải đầu tư nguồn kinh phí lớn để xây dựng, nâng cấp hạ tầng; cải tạo, khơi thông. Chưa kể các đơn vị hữu quan, các đoàn thể, những chiến sĩ áo xanh, những đội tình nguyện… ra sức dọn rác. Hình ảnh những chiến sĩ áo xanh, những tình nguyện viên trầm mình dưới làn nước ô nhiễm để vớt rác gây xúc động mạnh vì hành động cứu môi trường, tác động tích cực nâng cao nhận thức.

Tuy nhiên, suy xét nguyên nhân gây ra tình trạng trên, nhiều người bức xúc đặt câu hỏi: rác ở đâu ra, vì sao dọn mãi mà không hết? Tất nhiên, vấn đề cốt lõi nằm ở ý thức. Nếu ai ai cũng để rác đúng nơi, không quăng rác bừa bãi xuống sông rạch thì đâu đến nỗi. Thiết nghĩ, việc cần làm ngay là đa dạng hình thức tuyên truyền, phổ biến đến từng hộ dân về việc để rác đúng nơi quy định. Đồng thời, cần tăng cường xử phạt để răn đe.

Thiết nghĩ, sông nước bao đời nay vẫn là nguồn sống cho con người. Những người con vùng đồng bằng vẫn yêu sông bằng thứ tình cảm chân thành, thân thuộc nhất. Chiều xuống, dì ba nhanh tay gom từng mớ lục bình khô buộc lại thành bó để mang vô nhà. Dì cho biết, hàng ngày, con cháu dì ba cắt lục bình phơi khô, đan thảm kiếm được hơn 100.000 đồng, giúp tăng thu nhập. Tuy nhiên, dì cũng cho hay, không cần nhiều lục bình, chỉ cần rào vô mé nuôi như trước đây là đủ. Dì cũng ước ao một ngày dân xứ này đồng lòng xúm lại vớt sạch rác để trả lại dòng sông thông thoáng. Và mong rằng đừng ai quăng rác, xả thải bừa bãi xuống sông rạch nữa. Có vậy, sông sẽ trở lại như ngày nào, chiều chiều, đám con nít tắm sông, tập bơi; ghe xuồng thỉnh thoảng có thể xuôi ngược trên sông- đâu chỉ là nỗi nhớ?

SÔNG HẬU